Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024    
TIN NỔI BẬT:

Hướng dẫn làm việc và cung cấp thông tin cho nhà báo, phóng viên

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo, phóng viên hoạt động tác nghiệp cũng như các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nội dung cụ thể.

1. Tiếp nhận thông tin ban đầu

1.1. Phân công bộ phận tiếp nhà báo, phóng viên:

Đề nghị các cơ quan, đơn vị phân công bộ phận tiếp nhà báo, phóng viên tại bộ phận văn phòng (gọi là bộ phận tiếp nhận thông tin ban đầu) để thực hiện việc tiếp nhận thông tin. Khi có người giới thiệu là nhà báo, phóng viên đến đăng ký làm việc, bộ phận tiếp nhận thông tin ban đầu cần kiểm tra giấy tờ theo quy định:

- Đề nghị xuất trình Thẻ Nhà báo còn thời hạn do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Không chấp nhận Thẻ Phóng viên, Thẻ Công tác hoặc Thẻ Tác nghiệp của cơ quan báo chí thay cho Thẻ Nhà báo (Sở Thông tin và Truyền thông gửi kèm mẫu Thẻ Nhà báo giai đoạn 2016 - 2020).

The nha bao

- Trường hợp phóng viên chưa có Thẻ Nhà báo: Đề nghị xuất trình Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đến làm việc do lãnh đạo cơ quan báo chí ký, kèm theo Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân để xác minh. Lưu ý: Không chấp nhận Giấy giới thiệu do văn phòng đại diện cấp cho phóng viên chưa có Thẻ Nhà báo đi tác nghiệp.

+ Giấy giới thiệu hợp lệ phải ghi rõ: Họ và tên phóng viên; làm việc với cơ quan, tổ chức nào; nội dung, thời gian làm việc cụ thể. Giấy giới thiệu phải đang trong thời gian còn hiệu lực (theo Công văn số 3366/BTTTT-CBC).

+ Trường hợp không xuất trình được một trong hai loại giấy tờ trên, các cơ quan, đơn vị được phép từ chối làm việc và cung cấp thông tin. Đối với giấy Giới thiệu không đúng tôn chỉ, mục đích được phép từ chối làm việc và cung cấp thông tin. (Tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí)

1.2. Đăng ký, sắp xếp lịch làm việc:

- Trường hợp nhà báo, phóng viên đã đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ trước (qua điện thoại, qua thư, fax...): Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần thông báo cho bộ phận tiếp nhận thông tin ban đầu để đón tiếp nhà báo, phóng viên.

- Trường hợp nhà báo, phóng viên chưa có lịch hẹn trước: Bộ phận tiếp nhận thông tin ban đầu sau khi kiểm tra Thẻ Nhà báo hoặc Giấy giới thiệu, đề nghị nhà báo, phóng viên đăng ký lịch làm việc, nội dung làm việc. Khi đã có đầy đủ thông tin, kịp thời xin ý kiến lãnh đạo về lịch tiếp nhà báo, phóng viên. Bộ phận tiếp nhận thông tin ban đầu phải thông báo rõ thời gian, địa điểm tiếp nhà báo, phóng viên để làm việc trực tiếp hoặc cung cấp thông tin theo hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí.

- Trường hợp khẩn cấp (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...): Các cơ quan, đơn vị cần chuẩn bị sẵn nội dung liên quan đến vụ việc dưới dạng thông cáo báo chí như: Thời gian, địa điểm xảy ra sự việc, mức độ thiệt hại về người và tài sản, trách nhiệm của các cấp, các ngành, hướng xử lý tiếp theo... đồng thời, cử người sẵn sàng cung cấp ngay thông tin cho báo chí. Các thông tin cung cấp cần đảm bảo cập nhật, thống nhất đến thời điểm cung cấp.

2. Nội dung làm việc với nhà báo, phóng viên

2.1. Trường hợp nhà báo, phóng viên đến đề nghị cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin phục vụ hoạt động tác nghiệp báo chí:

- Theo Khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí quy định: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

- Căn cứ lịch hẹn, nội dung đăng ký làm việc của nhà báo, phóng viên, cơ quan, đơn vị giao cho các bộ phận liên quan chuẩn bị nội dung thông tin cần cung cấp, thống nhất thời gian cung cấp thông tin với nhà báo, phóng viên và cử người của đơn vị cung cấp thông tin cho báo chí. Lựa chọn hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 09/2017/NĐ-CP.

2.2. Trường hợp nhà báo, phóng viên đến để phỏng vấn:

- Việc trả lời phỏng vấn trên báo chí thực hiện theo Điều 40, Luật Báo chí, cụ thể:

+ Người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý.

+ Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bằng các hình thức phù hợp. Người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn. Người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó.

+ Nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.

+ Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.

- Căn cứ lịch hẹn, nội dung làm việc với nhà báo, phóng viên, các cơ quan, đơn vị giao cho các bộ phận liên quan chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn, thống nhất thời gian trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên và bố trí người có thẩm quyền phát ngôn trả lời phỏng vấn. Trường hợp nhà báo, phóng viên không đăng ký lịch làm việc hoặc không thông báo cụ thể nội dung làm việc, cơ quan, đơn vị có thể từ chối trả lời phỏng vấn.

- Các cơ quan, đơn vị cần hạn chế tối đa việc trả lời phỏng vấn qua điện thoại khi chưa biết rõ người gọi đến để phòng ngừa các trường hợp giả danh nhà báo, phóng viên. Trường hợp khẩn cấp (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...), nếu cần phải trả lời ngay qua điện thoại các câu hỏi của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên thì cần đề nghị nhà báo, phóng viên xưng danh, tên cơ quan báo chí để biết và kiểm soát thông tin. Trong quá trình trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin cho nhà báo, phóng viên qua điện thoại, cơ quan, đơn vị cần ghi âm toàn bộ nội dung cuộc điện thoại, quá trình cung cấp thông tin để đối chiếu với bài viết của nhà báo, phóng viên, bảo đảm nội dung thông tin đăng trên báo chí đúng với nội dung được cơ quan, đơn vị cung cấp.

3. Trả lời ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến

- Theo Khoản 1 Điều 39 Luật Báo chí quy định: Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

- Khoản 2 Điều 39 Luật Báo chí quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

- Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.

4. Phản hồi thông tin

- Theo Khoản 4 Điều 39 Luật Báo chí quy định: Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân.

- Theo Điều 43 Luật Báo chí quy định: Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án.

- Khi phát hiện các hành vi sai phạm trong hoạt động của nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí hoặc phát hiện những người lợi dụng danh nghĩa nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông (qua số điện thoại 0297.396.2636) hoặc Công an các cấp trên địa bàn tỉnh để phối họp xử lý.

5. Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Thực hiện theo Nghị định 09/2017/NĐ-CP.

6. Các trường hợp có quyền từ chối không phát ngôn và không cung cấp thông tin cho báo chí

Theo Khoản 2 Điều 38 Luật Báo chí quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây: 

- Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

- Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố.

- Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Mọi thông tin chi tiết về hỗ trợ, hướng dẫn làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí, các cơ quan, đơn vị liên hệ: Phòng Thông tin - Báo chí và Bưu chính, Sở Thông tin và Truyền thông, điện thoại: 0297.396.2636.